Trái Hạnh là gì sao nghe tên thấy lạ quá đúng không nào? Thực ra, đây là một loại trái rất quen thuộc với tất cả chúng ta, nhất là dịp tết đến xuân về. Bạn đã đoán ra đó là trái gì chưa nào? Trái hạnh là tên gọi của vùng miền Tây Nam Bộ. Còn ở miền Nam, trái này được gọi là trái tắc và ở miền Bắc, trái này có tên gọi là trái quất. Đây là 3 cách gọi khác nhau của cùng 1 loại trái. Trái hạnh không chỉ xuất hiện vào dịp tết như một loại cây cảnh chơi tết mà trái hạnh còn được dùng ngâm muối để làm nước giải khát giúp chữa ho và giải rượu rất hiệu quả. Cách làm hạnh muối cực ngon tại nhà dành cho bạn nè, cùng tham khảo nhé.

Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm hạnh muối như sau:
- Hạnh tươi (tắc tươi): 300gr
- Muối hạt: 100gr
- Cam thảo: 100gr
- Hũ thủy tinh có nắp đậy.
Cách làm hạnh muối cần phải có trái hạnh hay còn gọi là trái tắc chín làm nguyên liệu chính
Mách nhỏ dành cho bạn:
Đối với muối hạt, bạn có thể dùng muối thường hoặc muối hầm để làm hạnh muối đều được. Tuyệt đối không dùng muối i-ốt để làm hạnh muối nhé.
Hạnh tươi nên chọn trái chín vàng, có vỏ căng, trái tròn đều, có màu vàng tươi đẹp và không bị hư hay dập nát. Cam thảo sẽ giúp nước hạnh muối thêm thơm và ngon hơn. Đồng thời cũng làm cho hạnh muối có màu đẹp. Bạn có thể tìm mua cam thảo ở các cửa hàng bán đồ khô trong chợ hay các cửa hàng bán thuốc đông y đều có.
Cách làm hạnh muối gồm các bước như sau:
Bước 1: sơ chế nguyên vật liệu

Trái hạnh bỏ cuống và đem rửa sạch, để ráo. Sau đó, bạn dùng kim châm đều lên vỏ trái hạnh để cho tinh dầu có trong vỏ tiết ra bớt. Cách này sẽ giúp thành phẩm trái hạnh sau khi muối xong sẽ không bị đắng. Sau khi châm xong, đem trái hạnh rửa lại dưới vòi nước sạch đang chảy cho trôi hết tinh dầu.
Tiếp theo, bạn cho trái hạnh vào ngâm trong tô nước sôi để nguội có pha thêm 2 -3 muỗng muối trong khoảng 2 – 3 tiếng. Sau khi ngâm đủ thời gian, bạn vớt trái hạnh ra rổ, để cho ráo nước, còn phần nước muối ngâm thì đem đổ bỏ.
Hũ thủy tinh và nắp đậy đem rửa thật sạch rồi mang phơi thật khô.
Bước 2: cách làm hạnh muối

Sau khi hũ thủy tinh đã thật khô thì đem cho muối hạt vào lót phía dưới đáy hũ rồi cho tiếp là lớp cam thảo và đến lớp trái hạnh lên trên. Cứ theo trình tự như vậy để lặp lại. Qui trình chính xác là: muối => cam thảo => trái hạnh, cứ xoay vòng như vậy cho đến khi hết nguyên liệu thì thôi. Chú ý, lớp trên cùng phải là lớp muối hạt có độ dày khoảng 2cm nhé.
Sau khi xếp hết nguyên liệu vào hũ thủy tinh xong, bạn đậy kín nắp, sau đó đem hũ thủy tinh phơi nắng khoảng từ 3 – 4 tuần là có thể dùng được. Lưu ý là hạnh muối càng ngâm lâu thì càng ngon nhé. Sau khoảng 4 tuần ngâm, hạnh muối sẽ dậy nước và dần dần trái sẽ nổi lên trên. Một mẹo nhỏ giúp trái hạnh muối (trái tắc muối) không bị mốc trắng da, bạn nên dùng một bịch nilon có chứa nước, cột thật chặt và chèn lên trên miệng hũ thủy tinh để chặn không cho trái hạnh muối nổi lên.
Cuối cùng, cho 2 – 3 trái hạnh muối vào ly, đem dằm bỏ hạt rồi cho thêm một chút nước hạnh muối vào, pha thêm một chút nước sôi để nguội và một ít đường trắng vào, khuấy đều cho đường tan hoàn toàn.

Hạnh muối uống nóng hay lạnh cũng đều ngon và tốt cho sức khỏe. Vào mùa hè, một ly hạnh muối sẽ giúp giải nhiệt. Còn vào mùa đông hay xuân sang, một ly hạnh muối nóng sẽ có tác dụng chữa ho và giải rượu cho bạn cực hiệu quả luôn.
Ngày tết đến khi xuân về không thể tránh được phải uống bia rượu hơi quá chén, vậy nên chuẩn bị sẵn một bình hạnh muối để dùng khi cần giải rượu sẽ là điều nên làm. Ngoài ra, bạn có thể để hạnh muối dùng quanh năm mà không bị hư, thậm chí ngâm càng lâu thì hạnh muối càng ngày càng ngon hơn. Chúc bạn thành công nhé.